Xã Cam Thượng nằm ở khu vực phía Đông huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Thuộc vùng đồi gò, có tọa độ 12˚09’44’’B, 105˚27’09’Đ trên bản đồ Việt Nam, diện tích 8,27km2, dân số đến 31/12/2021 có 1766 hộ, 7508 người.
Về vị trí địa lý, phía Bắc giáp xã Đông Quang và một phần sông Hồng bên kia là xã Vĩnh Thịnh.
Phía Nam giáp xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).
Phía Đông giáp xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).
Phía Tây giáp 02 xã Thụy An và xã Tiên Phong.
Xã Cam Thượng có 7 thôn: 05 thôn ven đê Đại Hà và vùng đồng bằng ven đường 32 là: Bài Nha, Thịnh Thôn, Cam Đà, Cốc Thôn, Nam An; 02 thôn vùng đồi gò là: Quỳnh Cao, Văn Minh.
Chạy qua xã có đường Quốc lộ 32 theo chiều Hà Nội - Trung Hà lên vùng Tây Bắc của Tổ quốc, qua các thôn: Cốc Thôn, Cam Đà, Bài Nha, Thịnh Thôn, Nam An. Đê Đại Hà và sông Hồng chạy qua Bài Nha, Thịnh Thôn là tuyến đường thủy - bộ rất quan trọng nối liền Cam Thượng với các vùng miền. Dòng sông Tích Giang chảy qua xã từ Tây sang Đông.
Xã có 3 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng, đó là: Đền Thịnh Thôn, Miếu Mèn, Đình Cam Đà; Có 4 ngôi chùa và 8 ngôi đình làng, hàng năm đều được bảo quản, giữ gìn và là nơi tổ chức lễ hội truyền thống ở địa phương. Di tích lịch sử văn hóa Đền Thịnh Thôn và Miếu Mèn là nơi thờ Đức Quốc Mẫu Man Hoàng Hậu, là người sinh ra hai vị nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc – Trưng Nhị.
Cam Thượng tự hào là vùng quê hiếu học, vùng đất địa linh nhân kiệt từ xa xưa, có cụ Hoàng Bồi, cụ Lã Thời Trung (làng Cam Giá nay là thôn Cam Đà), cụ Lê Cầu, cụ Nguyễn Tiến Triều (làng Nam Nguyễn nay là thôn Nam An) đã được ghi tên trên bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Noi gương các bậc tiền bối, những thế hệ sau, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng dành dụm cho con em ăn học, nhiều người thành đạt góp phần xây dựng truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Người dân Cam Thượng vốn bình dị, thông minh, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm nhất là trong hai cuộc kháng chống Thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ đổi mới Đảng bộ, nhân dân xã Cam Thượng tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, phát triển mạnh mẽ và vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp hiện đại hóa đất nước. Những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân xã Cam Thượng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.
Về kinh tế xã hội (số liệu hết năm 2020): Trong những năm qua, được sự quan tâm của huyện, sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân xã Cam Thượng đã phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII (2015-2020). Các mục tiêu cơ bản đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Tổng giá trị sản xuất đạt 340 tỷ đồng.
- Sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đạt 70 tỷ 734 triệu đồng
- Sản xuất công nghiệp, TTCN: đạt 153 tỷ 960 triệu đồng.
- Cải cách hành chính có sự tiến bộ, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững;
- Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn có sự chỉ đạo tập trung; hệ thống chính trị được củng cố, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết đề ra.
Với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất và bảo vệ tổ quốc được sự quan tâm giúp đỡ của Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban, ngành huyện, sự đóng góp của các doanh nghiệp. Đảng bộ và nhân dân xã Cam Thượng phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII đã đề ra.